7. Nhận người làm anh
Thuở xưa, có người nhà rất giàu, cử chỉ đứng đắn lại thông minh, vì thế kẻ
xa người gần đều thán phục, ái mộ. Bấy giờ có một người đến nhận làm anh
mình, thường thường qua lại thân thích. Chàng nầy nhận người
nhà giàu làm anh để chi thế? Mục đích chỉ vì muốn lợi dụng tiền bạc.
Sau đó, người nhà giàu kia sa sút khốn cùng, vỡ nợ, chàng ta trở mặt lãnh
đạm và nói thẳng với người nhà giàu kia rằng:
– Ngươi không phải là anh ta.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Có bọn ngoại đạo lợi dụng và trộm cấp một bộ phận
ngụ ngôn, phương pháp và nghi thức của Phật pháp, đem lãm giáo pháp cũa
bọn họ thường dùng. Nhưng hoàn toàn không có thật tâm tinh tưởng, phụng
trì, chỉ muốn ngăn che âm mưu tội ác của bọn họ, tuy thể giáo pháp của Phật
không bao giờ bị bọn lừa đảo, lợi dụng.
8. Trộm áo nhà vua
Thuở xưa, có người nhà quê, lẻn vào kho áo của vua lấy trộm một bộ y phục,
rồi lén chạy đến một phương xa.
Sau khi vụ mất trộm bị phát giác, nhà vua bèn phái nhiều binh lính đến các
nơi tra tìm, cuối cùng bắt được tên ăn trộm đưa về tòa án. Khi bị thẩm vấn, y
không thừa nhận y phục nầy là đã lấy trộm của vua, còn nói là di sản của tổ
phụ lưu truyền lại. Vua mới bảo y lấy y phục ấy mặc thử.
Y không biết cách mặc, đem món đang mặc trên cánh tay mà mặc dưới
chân, đem món đang mặc ngang lưng bụng mà mặc lên trên đầu.
Vua thấy thế phán rằng:
– Ngươi mặc lộn như vậy, chứng tỏ y phục đấy chẳng phải của tổ phụ ngươi
lưu truyền. Huống nữa y phục nầy là của vua và các quan mặc, tổ phụ ngươi
làm gì có thứ nầy?
Tên ăn trộm cứng họng, không thể trả lời được, đành phải cúi đầu thừa nhận.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Ngoại đạo ăn trộm giáo nghĩa của Phật pháp làm của
mình; nhưng vì không hiểu rõ chánh nghĩa Phật pháp; ăn trộm rồi để đó chứ
không dùng được chuyện gì, chỉ được cái điên đảo tạp nhạp không thứ tự,
lớp lang. Kết quả không khỏi bộc lộ bản chất của bọn họ.
9. Kẻ ngốc khen cha
Thuở xưa có một người hay khen ngợi đức hạnh của cha mình trước mặt
nhiều người khác: Nào là cha anh lòng rất nhân từ, không bao giờ làm tổn
hại ai cả, nào là cha anh không bao giờ cướp giựt, lừa gạt tài vật của ai, nào
là đối đải với mọi người rất công bình chánh trực, không bao giờ nói dối mà
lại hay giúp đở người trong khi nguy khốn v.v…
Lúc ấy có một người ngu thấy thế tự nghĩ: “Mình cũng nên khen cha mình
một phen”.
Nghĩ xong, anh bèn hỏi:
– Ðức hạnh của cha tôi còn hơn đức hạnh phụ thân ông!
Người chung quanh bèn hỏi:
– Ðức hạnh ông thân anh như thế nào?
Người ngu liền đáp:
– Cha tôi từ nhỏ tuyệt đường dâm dục, chẳng hề biết gì về việc ấy.
Ai nấy nghe cũng đều bật cười mà nói: Nếu quả thật cha anh từ nhỏ đoạn
dục thì làm sao sanh được anh?
Nghe hỏi anh nọ đừ người ra chẳng biết phải trả lời làm sao.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Khen chỗ tốt của người cần phải phù hợp với thực tế.
Nếu có bịa lời khen giả dối, chẳng những không hiệu quả gì, mà lại làm cho
người khinh bỉ. Do đó trong năm giới của Phật Giáo cấm vọng ngữ là một.
10. Phú ông cất lầu
Thuở xưa có một người nhà giàu rất ngu si, không biết việc gì cả. Một hôm
chàng đi đến nhà một phú ông khác, đó là một nhà lầu ba tầng, xinh đẹp
không đâu bằng, lòng chàng rất ham thích và tự nghĩ:
– Tiền của ta ít hơn người nầy, nhưng lẽ nào không cất được 1 trong 3 tầng
ấy sao?
Ðoạn chàng về nhà liền cho mời một nhà kiến trúc đến hỏi rằng:
– Ông có thể cất lầu ba tầng không?
Nhà kiến trúc đáp:
– Ðược, tôi đã làm nhiều nơi rồi.
Chàng nói:
– Tốt lắm, ông nên làm ngay cho tôi một tòa lầu ba tầng, giống như của bạn
tôi.
Nhà kiến trúc đem công nhân khởi sự ban đất, đắp nền, xây đá, lên tường.
Cách ít hôm, anh chàng nhà giàu đến xem xét, không thấy tầng lầu thứ ba,
bèn hỏi nhà kiến trúc:
– Hiện tại ông đang là gì đó?
Nhà kiến trúc trả lời:
– Tôi làm nhà lầu ba tầng cho ông đây.
Chàng lại hỏi:
– Tại sao cất tầng lầu ba mà lo xây tầng dưới, không chịu cất nơi tầng trên
cho tôi?
Nhà kiến trúc trả lời:
– Phải cất từ tầng lên, không cất hai tầng dưới làm sao có thể cất được tầng
thứ ba?
Không suy nghĩ kỹ, lập tức chàng ngăn răng:
– Không, không, tôi không cần làm hai tầng dưới, tôi chỉ muốn làm nơi tầng
thứ ba thôi, ông nên làm cho tôi một tầng chót trên cho mau chóng.
Nhà kiến trúc nghe xong cười to, đôi ba phen giảng rõ cho chàng nghe,
nhưng chàng quá cố chấp, kiên quyết yêu cầu nhà kiến trúc chỉ làm tầng thứ
ba.
Nhà kiến trúc không có cách gì làm cho chàng hiểu rõ được, đành phải đình
công việc cất nhà.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Ðệ tử của Phật không chịu cung kính thừa sự tam bảo,
thiết thật tu: “giới, định, huệ” nền tảng tam học khởi tu, chỉ giải đải, biếng
nhác, tưởng lầm là không cần phải trải qua tam quả: Sơ quả Tu Ðà Hoàn, nhị
quả Tư Ðà Hàm, tam quả A Na Hàm, mà muốn lập tức chứng quả thứ tư là
quả A La Hán, đệ tử ấy cùng với phú ông muốn cất tầng thừ ba đều là hạng
ngu si không tưởng!
11. BÀ LA MÔN GIẾT CON
Thuở xưa, có một phái ngoại đạo kêu là Bà La Môn, trong bọn họ có một
người tự xưng là có thể biết được quá khứ vị lai, đối với các học vấn điều
nói trôi chảy không sợ sệt. Chàng muốn phô trương bản lảnh của mình, bèn
đi đến địa phương khác, trước mặt mọi người ôm con khóc lóc thảm thiết.
Có người hỏi:
– Tại sao anh khóc nhiều thế?
Chàng trả lời:
– Con tôi trong bảy ngày nữa sẽ chết, vì thế nên tôi rất đau buồn.
Mọi người khuyên chàng rằng:
– Hiện nay con anh khỏe mạnh như thế, trong bảy ngày nữa làm sao chết
được? Có lẽ anh tính lầm, hà chăng phải là sự buồn khổ vô ích sao?
Chàng trả lời:
– Tôi tính rất chính xác, đối với mặt trời, mặt trăng, vũ trụ, vạn vật, từ xưa
nay tôi không tính lầm bao giờ.
Ðến hạn bảy ngày đứa con của chàng không chết, nhưng vì chàng muốn bảo
tồn danh dự, bèn giết đức con để chứng minh cho điều dự đoán không lầm,
khiến cho mọi người tin phục, mong cầu danh tiếng lợi dưỡng cho mình.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Ngoại đạo tự xưng đắc đạo, xong không có thật đức tu
hành, vì muốn cho mọi người tin phục, mà không tiếc xử dụng những thủ
đoạn độc, giả dối, hủ ngụy, dối thế, trộm danh, cũng như vị Bà La Môn giết
con để dối đời như trên không khác.
12. QUẠT NƯỚC ĐƯỜNG
Thuở xưa, có người chuyên môn nấu đường cát, đang lúc nấu đường tại nhà,
bỗng có người nhà giàu đến chơi. Muốn xu phụng người ấy, anh bèn mời
người nhà giàu uống một chén nước chè.
Anh bỏ một ít đường và rót thêm chút nước vào nồi bắc lên lò nấu.
Chụm lửa rất nhiều nên chẳng bao lâu, nước đường sôi lên sùng sục.
Anh sợ nước đường nóng, rồi người nhà giàu phải chờ lâu mới uống được,
liền tính làm nguội bớt nước, bèn nỗ lực quạt nước đường trong nồi, xong
anh lính quýnh quên nhắc nồi ra khỏi lửa, vì thế tuy quạt rất lâu mà đường
vẫn sôi mãi. Anh nọ lúc quạt mau, khiến mồ hôi chảy dầm dề trên trán.
Mọi người chung quanh thấy thế, đều chê cười anh ta và bảo rằng:
– Anh làm thế chỉ phí công vô ích, không tắt lửa dưới nồi mà chỉ quạt nước
trong nồi làm sao nước nguội được?
** Chuyện nầy tỉ dụ: Nếu chúng ta không từ lửa dữ, tham, sân, si phiền não
căn bổn mà diệt trừ, thì không thể nào đạt đến chỗ giải thoát thanh tịnh. Mặc
dù chúng ta đem hết sức bình sanh tu theo khổ hạnh vô ích, cũng chỉ luống
nhọc vô công, không có sự bổ ích thực tế, tương lai y nhiên trôi lăn trong
vòng sanh tử chịu khổ vô cùng.
13. SỰ THẬT CHỨNG MINH
Có một nhóm người ngồi trong nhà bình luận phạm hạnh của một người
khác. Trong nhóm ấy, có người nói rằng:
– Người đó cái gì cũng hay cả, chỉ có hai điều không tốt: Ðiều thứ nhất là
hay nổi sân, điều thứ hai là chạm việc hay lỗ mãng.
Ðang lúc y nói thế, bất ngờ người kia đi ngang qua cửa nghe lọt vào tai, lập
tức nổi giận đùng đùng, nhảy bổ vào nhà vừa đánh y vừa nói:
– Ta nổi sân hồi nào, ta lỗ mãng với ai đâu?
Bây giờ mọi người đều nói:
– Hành động của người hiện tại chẳng đủ chứng minh cho sự sân hận và lỗ
mãng của người sao?
** Chuyện nầy tỉ dụ: Có một hạng người có lỗi mà không tự nhận, người
khác đưa ý kiến giải bày, chẳng những không hết lòng tiếp nhận, trở lại xấu
hổ nổi sân, tìm cách báo phục, làm thế không chỉ trở ngại cho sự tiến bộ của
tự mình, mà lại làm bộc lộ và phát triển tội ác xưa nay, chịu hậu quả bất
lương nữa.
14.GIẾT KẺ DẪN ĐƯỜNG
Thuở xưa, có một đoàn thương gia dự định đến phương xa để tìm kế sanh
sống.
Ðường đi phải trải qua một đồng rộng, cả đoàn đều không ràng đường, mới
bàn tính với nhau mời một người đi theo chỉ lối; rồi họ cùng nhau khởi cuộc
hành trình.
Ði được nữa đường, họ đến một cánh đồng bao la bát ngát, gặp một ngôi
miếu thần.
Theo tập quán nơi đó, đoàn phải giết một người tế miếu mới đi qua khỏi
được.
Ðoàn thương gia cùng nhau bàn luận riêng, ai cũng cho rằng: Trong bọn
chúng ta đều là bà con thân thích và đồng hương, chỉ có người dẫn đường là
người ngoài chi bằng giết người nầy để cúng tế.
Bàn tính xong xuôi, họ bèn đem người dẫn đường ra giết.
Cúng tế xong, họ lên đường, nhưng vì không có người dẫn lối, nên cả bọn
lạc lõng, bơ vơ nơi cánh đồng bát ngát.
Sau cùng cả bọn họ đều bị chết ở giữa đường dài.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Muốn vào biển Phật pháp để lượm của báu, phải nên tu
pháp lành làm vị tiên đạo. Có một ít người xưa nay điên đảo tu hành, không
chịu khảo nghiệm sự thật, luôn luôn náo động không an, mạt sát hạnh lành,
vong tưởng, mê chấp, mà muốn thủ lấy chân bảo pháp tài. Kết quả chỉ hằng
đọa nơi bến mẻ, biển khổ, trọn đời không có nẻo thoát ly.
15. MUỐN CON MAU LỚN
Thuở xưa, có một ông vua sanh được nàng Công chúa, vua yêu quí vô cùng,
mong muốn nàng mau lớn, bèn mời vị lương y đến thương lượng:
– Người có thuốc gì để cho con gái trẩm uống vào mau lớn chăng?
Lương y trả lời:
– Hạ thần nhất định sẽ tìm được thuốc hay nhưng phải đến phương xa mới
có. Hạ thần yêu cầu Bệ hạ một điều kiện là trong thời gian hạ thần đi tìm
thuốc, Bệ hạ không được đến thăm công chúa. Chừng nào hạ thần đem thuốc
về cho công chúa uống rồi, Bệ hạ hãy đến tham.
Vua trả lời ưng thuận.
Vị lương y đi tìm thuốc phương xa kế đã 12 năm chẵn mới đem thuốc trở
về.
Sau khi công chúa uống thuốc xong, lương y bèn đem công chúa yết kiến
vua trong cung nội.
Vua thấy công chúa đã trưởng thành, lòng mừng khôn xiết, nói với lương y
rằng:
– Người thật là vị lương y đại tài, không người bì kịp; công chúa nhờ uống
thuốc của người mà chóng lớn đến thế!
Ðoạn vua bảo quan tả hữu ban thưởng cho lương y rất nhiều tài vật.
Người đương thời đều cười vua là người dại dột, không biết tính tuổi của
con mình.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Người tu tập Phật pháp cần phải chân thật hành trì, tự
hiểu hễ nước đến thì ao thành, giòng trong thì trăng hiện, công đức được vẹn toàn.
Nếu không chịu hành trì đúng theo Phật pháp, cố gắng chân thật dụng
công, mà chỉ mong cầu cho mau có kết quả, thì thật là sai lầm. Hạng người
hành động như thế cùng ông vua muốn con mau lớn như kia đều là hạng ngu si đáng chê cười cả.
THÍCH NỮ NHƯ HUYỀN