Bộ kinh Bách Dụ gồm 98 bài thí dụ của Phật nói do Ngài Pháp Sư Tăng Gia
Tư Na sao lục trong kinh tạng. Hai thí dụ rốt sau: “Thuốc hay hòa trong
đường phèn”, “Dùng là gói thuốc A Dà Ðà” là của Pháp Sư tự soạn, để tổng
dụ cho diệu lý đủ trong những thí dụ trên.
Một đời thuyết giáo trong bốn mươi chín năm, tùy theo căn cơ chúng sanh
sai khác, Ðức Phật nói ra vô lượng Pháp môn không đồng. Khi nói thấp, khi
nói cao, từ dễ lần đến khó, đem gần tỉ dụ xa. Chung qui chỉ hướng về một
mục đích duy nhất là làm cho chúng sanh tự giác ngộ bản tánh sáng suốt của
mình.
Trong kinh Bách Dụ, Phật đã dùng những chuyện xưa để thí dụ cụ thể sự dại
dột mê lầm chung của chúng ta.
Nếu chúng ta biết trừ bỏ mê lầm ở đâu thì Niết Bàn sẽ thực hiện ở đó.
Chúng tôi nhận thấy những mẩu chuyện thí dụ đây, có thể thông dụng trong
các tầng lớp quần chúng, ai cũng có thể hiểu một cách dễ dàng, vì chuyện rất
vui, có kỹ thuật hấp dẫn, rất hữu ích cho mọi người, nên tôi không nệ tài
hèn, đức bạc phiên dịch ra tiếng Việt để cống hiến đọc giả một tác phẩm của
Phật Giáo có giá trị giáo dục cho tăng đồ và cho cư sĩ.
(Thích nữ Như Huyền)
1. Người ngu ăn muối
Thuở xưa có một người ngu đến nhà bạn thăm, chủ nhà mời ở lại dùng bữa
cơm đạm bạc. Chàng chê canh lạt không ngon. Chủ nhà bèn thêm một chút
muối, chàng ăn cảm thấy ngon lành.
Chàng tự nghĩ:
– Canh ngon là nhờ muối thêm vào, dùng ít còn vậy, nếu dùng nhiều chắc
chắn ngon đặc biệt.
Thế rồi, chàng xin chủ nhà một chén muối bỏ trong miệng nuốt hết! Vì chất
muối mặn kinh hồn, chàng cảm thấy gần như sắp chết, bèn vội vàng móc
họng cho mữa muối ra.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Phàm người tu hành phải tiết chế sự ăn uống cho vừa phải, biết đủ muốn vừa, thì đối với thân thể và sự tu hành đều có ích lợi. Nhưng có bọn ngoại đạo sai lạc tuyên truyền, uốn cong thành ngay quá mức, để xướng lên thuyết không cần ăn uống, nhận cho là phương pháp có thể đắc đạo. Do vậy có người đoạn thực bảy ngày, mười lăm ngày, kết quả là ảnh hưởng đến thân thể đói khát mà chết, và đối với công hạnh không có một điểm lợi ích; đó chỉ là hành động sai lầm. Người hành pháp như thế cùng người ăn muối kia đều là cử động ngu xuẩn đáng chê cười cả.
2. Ðể dành sữa
Thuở xưa có một người dự định tháng sau đãi khách, cần có số nhiều sữa bò,
do đó phải dự trù trước đến lúc ấy mới khỏi thiếu hụt.
Người kia tự nghĩ:
– Mỗi ngày mình nặn sữa để dành, cần phải có cái thùng cây rất lớn; xét kỹ
ra sữa để trong thùng cây lâu ngày dễ hư hoại, chi bằng để trong vú bò, đến
ngày đãi khách hãy nặn ra một thể, đã ít tốn công lại được sữa mới, chẳng
phải đó là phương pháp tuyệt ư?
Thế rồi chàng dắt bò mẹ nhốt riêng, bò nghé nhốt riêng chổ khác, và không
nặn sửa mỗi ngày.
Qua tháng sau đến ngày đã khách, chàng dắt bò mẹ ra nặn lấy sữa tươi đãi
khách, nhưng dùng hết sức nặn mà một giọt cũng không có, làm cho khách
dự tiệc không thể nín cười.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Người muốn làm hành bố thí mà đợi đến khi nhiều tiền mới làm việc cứu giúp kẻ khốn cùng. Nghĩ thế rất lầm. Chúng ta phải nên tranh thủ thời gian kịp thời làm hạnh bố thí, chẳng vậy thì cùng với người ngu để dành sữa trong vú bò không khác
3. Khoanh tay chịu đòn
Thuở xưa có một anh ngốc sói đầu; ngày đó có người thấy đầu anh không có
tóc bèn dùng trái lê đánh lên, đầu anh bị đánh nhiều lần, máu ra lên láng.
Tuy bị đánh, anh ngốc vẫn đứng im lặng chịu đòn, không kháng cự, không
trốn tránh.
Bấy giờ có người thấy thế trong lòng bất nhẫn liền bảo anh rằng:
– Vì sao danh cứ đứng trơ ra mà chịu đánh? Nếu không đánh lại, thì nên
tránh đi mới phải. Kìa xem, đầu anh đầy cả máu không sợ đau à?
Anh ngốc đáp rằng:
– Ôi! Người ngu nầy rất xấc láo, nó không hiểu gì cả. Vì thấy đầu ta không
tóc, nó tưởng là viên đá xinh xắn mới tùy tiện dùng trái lê đánh lên, không
biết đó là đầu ta. Nó đánh ta đến nổi máu ra lênh láng. Ông ơi! Ðối với hạng
người vô trí thức ấy, ta chẳng biết tính làm sao được.
Người kia nghe rồi rất giận, liền mắng trách anh ngốc rằng:
– Anh thật là đáng thương, người ta đánh đến nổi đầu bị thương, máu ra
dường ấy, mà vẫn đứng yên không lay động, như thế chẳng phải ngu si chứ
là gì?
** Chuyện nầy tỉ dụ: Có một số ít các vị Tỳ kheo, không thể chân thật giữ giới, tu định, học huệ, chỉ gò ép oai nghi bên ngoài để mong được người cúng dường cung kính. Kết quả tự mình chịu khổ vô cùng. Bậc tu hành thế này và người ngốc kia đều là hạng ngu si cả.
4. Giả chết dối chồng
Thuở xưa có anh chàng cưới người vợ rất đẹp, nhưng tánh tình không được
đứng đắn, chàng thương yêu vợ vô cùng; nhưng trái lại nàng chẳng yêu
chàng, vì thế mà nàng có tình nhân khác, thường có ý muốn bỏ chồng để kết
duyên với người nàng thích.
Thừa dịp chồng đi vắng, nàng tìm một bà già rồi kín đáo dặn rằng:
– Sau khi tôi đi khỏi nhà, xin bà tìm thay một cô gái khác để vào đây, chồng
tôi có trở về, bà cho chàng biết là tôi đã chết.
Ba già đã làm y như lời nàng dặn.
Khi trở về nhà, người chồng nghe tin rất buồn rầu, đau đớn, kề bên
thi hài khóc lóc rất lâu, rồi mới đem thi hài người con gái ấy hỏa táng, đem
tro xương đựng trong cái đẩy, ngày đêm mang theo mình để kỷ niệm mảnh
tình quá khứ.
Còn vợ chàng lúc ấy đã kết duyên cầm sắt với tình nhân.
Nhưng trải qua nhiều ngày, biết được tình nhân đã nhàm chán, phụ rẫy nàng,
lòng nàng lại tưởng nhớ đến người chồng cũ, bèn vội vã trở về thưa với
chàng rằng:
– Tôi là vợ chàng, nay đã trở về.
Người chồng bảo:
– Vợ tôi chết đã lâu! Cô là ai đến đây nói dối là vợ tôi để làm gì?
Mặc dù nàng biện bạch đôi ba phen, yêu cầu chàng thừa nhận, nhưng chàng
quyết tin chắc vợ chàng đã chết, nên không nhận nàng là vợ.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Người đã bị thành kiến làm chủ rồi thì rất khó cải đổi Như bọn ngoại dao nghe lời ngụy tà, tâm sanh mê hoặc, chấp trước cho là chân thật, vĩnh viển không thể hoàn cải hồi tâm, dù nghe giáo pháp chân chánh cũng không chịu tin tưởng thọ trì.
5. Khát không uống nước
Thuở xưa có một người đi đường rất khát nước, muốn tìm nước uống để giải
khát. Xem thấy sương mù tận đằng xa, y tưởng là nước. Sau lại kiếm đông,
tìm tây, gặp được giòng sông nước trong leo lẻo, chảy thao thao không
ngừng, anh chỉ đứng xem không chịu uống.
Có người thấy thế lấy làm quái lạ, hỏi rằng:
– Anh vì khát đi tìm nước để uống, hiện tại tìm được nước rồi, tại sao không
uống?
Anh trả lời phi thường quái lạ:
– Nước nhiều như thế này, anh uống hết được không? Tự xét thấy, uống hết
được tôi mới uống. Ðã biết uống không sao hết được, nên tôi không uống, có
thế thôi.
Ai nấy nghe xong đều chê cười anh.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Có một ít người lý luận bướng bỉnh, chấp chặt cho kiến giải của mình, không gần được chân lý, cho là giới luật của Phật dạy rất rộng lớn, nghiêm ngặt một thời không thể toàn bộ thọ trì, bèn bỏ không thọ. Do đấy, họ cứ y nhiên trôi lăn trong vòng sanh tử chịu khổ vô cùng, trọn đời không có hy vọng đắc đạo. Hành động như vậy thật đáng chê cười mà cũng đáng thương xót.
6. Giết con thành gánh
Thuở xưa, có người nuôi bảy đứa con, trong số ấy có một đứa chết, anh để
thi hài trong nhà rồi tự mình và cả gia đình bỏ nhà đi nơi khác.
Người láng giềng thấy thế hỏi rằng:
– Sao anh không đem đứa con đã chết của anh ra ngoài mai táng, lại bỏ nhà
đem nhau đi ra ngoài
? Hành vi như thế rất là dại dột.
Anh nghe xong, trả lời:
– Người chết phải đem ra ngoài mai táng, đúng hay sai chẳng cần, vậy có thể
bảo cho tôi biết phải làm cách nào không? Than ôi! Chỉ có cách là giết thêm
một đứa nữa, mới có thể thành gánh, gánh đi chôn.
Kết quả anh giết một đứa con nữa để cùng đứa con đã chết, rồi chất thành
một gánh, gánh lên chôn trên núi cao.
** Chuyện nầy tỉ dụ: Tỳ kheo phạm một điều giới luật, không chịu sám hối, ăn năn, trở lại muốn tìm cách che giấu sự thật, làm bộ như người trí giới thành tịnh tranh nghiêm. Người khác thấy thế, vạch bày chỉ trích: – Người xuất gia giữ giới phải như giữ gìn ngọc minh châu, tại sao đã tái phạm mà không chịu sám hối? – Tỳ kheo ấy cứ ngang nhiên làm nhiều việc ác, phá giới để rồi sám hối một lúc cho tiện. Tỳ kheo phá giới như thế cùng với người giết con thành gánh như kia đều là hạng ngu xuẩn vô trí cả.