Hỏi: Đức Phật đã dạy những gì?
Sau sáu năm khổ hạnh và bốn mươi chín ngày tịnh tọa dưới gốc cây bồ đề, Ngài bừng tỉnh, trở thành bậc Giác Ngộ. Từ sự giác ngộ này, Ngài thấu suốt nguyên nhân mọi nỗi thống khổ của kiếp người và phương pháp để chấm dứt nỗi thống khổ đó, đó là Tứ Diệu Đế, tức là bốn chân lý hay bốn sự thật nhiệm mầu. Bài giảng về bốn chân lý nhiệm mầu có thể xem như là những lời dạy của một vị y sĩ: định bệnh (Khổ đế), xác định nguyên nhân của bệnh (Tập đế), mô tả trạng thái khi lành bệnh (Diệt đế), và cách thức trị bệnh (Đạo đế). Bốn chân lý đó là:
Sự Thật Về Khổ: Đây là sự thật về khổ kinh qua các vấn đề của đời sống, qua sinh, già, bệnh, chết, mong ước mà không được toại nguyện, thương yêu nhau mà phải chia lìa nhau, ghét nhau mà cứ phải gặp nhau và thân tâm thay đổi bất thường. Dù chúng ta có chối bỏ đến đâu đi nữa, thân này rồi một ngày sẽ già nua, bệnh hoạn và chết đi. Dù ta có tìm quên lãng trong những thú vui bao nhiêu đi chăng nữa, thì sự có mặt của tham luyến, giận hờn, thù ghét, lo âu, bối rối và căng thẳng vẫn còn tồn tại.
Sự Thật Về Tập: Còn gọi là nguyên nhân của khổ.Cái gì đã trói buộc chúng ta vào vòng bánh xe khổ lụy? Đức Phật thấy rằng sự trói buộc ấy nằm ngay trong tâm của mỗi người chúng ta, chúng ta bị trói buộc vì lòng ái dục, cố chấp vào quan điểm và ý kiến của mình, mê tín tin rằng những lễ nghi, hình thức bên ngoài có khả năng diệt được khổ đau, và nhất là cố chấp vào một cái tôi thường hằng, bất biến. Chúng ta lăn theo bánh xe khổ đau vì ta đeo theo nó, và chúng ta đeo theo nó cũng chỉ vì vô minh của mình.
Sự Thật Về Dứt Khổ: Sự thật thứ ba là kết quả sau khi con người đã diệt trừ và chấm dứt được ái dục, nguồn gốc của mọi khổ đau. Đó gọi là sự thật về sự chấm dứt khổ, là Niết Bàn. Nếu ai giải thoát được mọi trói buộc đau khổ bằng cách không khởi tâm điên đảo, phân biệt chấp trước đối với cuộc sống, thì người đó sẽ đạt được Niết Bàn ngay trong cuộc sống này.
Sự Thật Về Con Đường Dứt Khổ: Sự thật thứ tư này là con đường trực tiếp đưa đến sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Con đường này thường được diễn tả là Bát chính đạo, tức tám con đường chân chính hay còn gọi là tám bước nhiệm mầu dẫn đến an lạc hạnh phúc. Đây không phải là con đường quá khích, sung sướng hay khổ hạnh, cũng không phải là con đường của sự chìm đắm trong sắc dục. Đây chính là con đường trung đạo. Còn đường của sự tỉnh thức. Tám bước nhiệm mầu là lời Đức Phật dạy về cách thức tu tập để Phật tử nương theo mà hành trì, ngõ hầu kết thúc được mọi nỗi thống khổ, đạt được trạng thái tâm an lạc. Gom chung tám bước này thành ba bộ môn tu tập, gọi là Tam Học, tức là ba môn học chung cho mọi người tu Phật là: Giới học, gồm có: Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mệnh. Định học, gồm có: Chính tinh tấn, Chính niệm và Chính định. Tuệ học, gồm có: Chính kiến và Chính tư duy.
Nói tóm lại, Sự thật về khổ phải được ý thức rõ ràng. Sự thật về nguyên nhân của khổ phải được thấu hiểu. Chân lý về sự chấm dứt khổ phải được kinh nghiệm. Và con đường để chấm dứt khổ đau ấy phải được bước đi bởi mỗi người trong chúng ta. Đức Phật đã giác ngộ giải thoát và Ngài đã vẽ lại con đường đó để chúng ta đi theo. Ngài không giúp chúng ta hết khổ đau được, Ngài chỉ cho chúng ta thấy một con đường để đi tới. Không có một công thức huyền bí nào có thể đem ta ra khỏi những khổ đau này. Mỗi người chúng ta phải tự thanh lọc tâm mình, bởi vì chỉ có những ái dục trong tâm mới có khả năng trói buộc được ta mà thôi. Trong suốt 49 năm hoằng pháp Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật Giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo như trên.
Hỏi: Xin tóm lược con đường tu tập của một người Phật tử.
Giáo lý của nhà Phật có thể tóm gọn trong ba mục tiêu tu hành như sau:
Thứ nhất là chấm dứt làm các việc xấu, ác.
Thứ hai là siêng năng làm các việc lành, thiện.
Thứ ba là nỗ lực thực hành các pháp môn tu tập để cho tâm thức được đạt tới cảnh giới thanh tịnh tịch tĩnh.
Chấm dứt làm các việc xấu ác và siêng làm các việc tốt lành là mục tiêu của các tôn giáo và luôn cả các nền giáo dục của các quốc gia trên trên giới. Duy có sự phân biệt thế nào là xấu ác và thế nào là tốt lành thì các tôn giáo và các quốc gia trên thế giới lại có một số ý kiến khác nhau, tùy theo các nền văn hóa khác nhau, có những điều mà ở thời buổi này, tôn giáo này, xã hội này cho là điều lành thì ở thời buổi khác, tôn giáo khác và xã hội khác lại cho là điều xấu ác. Cho nên định nghĩa tốt xấu trong thế gian cũng chỉ là tương đối.
Theo quan điểm của nhà Phật thì nội dung của Năm Giới cấm đã phân biệt rõ ràng thế nào là tốt lành và xấu ác. Giữ gìn không vi phạm, sống một cuộc đời chân thật, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không bị mê muội vì các chất men say và cần sa, ma túy, không điêu ngoa dối trá, nói lời thêu dệt, nói lời thô tục, chửi mắng người khác, v.v… là đã tránh được vấn đề làm điều xấu ác.
Trong bản kinh ngắn khi đức Phật dạy các hoàng tử Kalama, Ngài đã định nghĩa rõ ràng về những điều gì là điều lành (thiện) và những điều gì là điều không lành (bất thiện), như sau:
“Hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người trí chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ sở, tâm ưu phiền, hành động như vậy là hành động bất thiện, và chúng ta phải loại bỏ hành động ấy.
Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không có hại cho cả hai, được người trí tán thán, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm an lạc, tâm hoan hỷ. Hành động như vậy là hành động thiện và chúng ta phải thực hành”. [03]
Như thế, đối với đạo Phật, có thể nói, tiêu chuẩn để xác định lành thiện hay xấu ác căn cứ vào hai yếu tố là hạnh phúc và khổ đau. Hành động đem lại hạnh phúc cho chúng sinh là lành thiện và hành động gây khổ đau cho chúng sinh là xấu ác. Việc làm nào có lợi ích cho mình và cho người là lành thiện. Trái lại, nếu chỉ đem lại hạnh phúc cho cá nhân mình mà gây khổ đau cho chúng sinh khác là xấu ác.
Tu là chuyển nghiệp, chuyển từ những hành động xấu ác tạo ra nghiệp xấu sang qua hành động lành thiện tạo ra nghiệp lành. Giai đoạn tu hành này có mục tiêu đào tạo nên những con người tốt lành để cùng sống chung với mọi người trong gia đình, xã hội, ngõ hầu cùng nhau xây dựng nếp sống lành mạnh trong một thế giới an vui, hòa bình, ổn định của đời sống tương đối tại thế gian.
Con đường tu tập của đạo Phật không dừng lại ở đây. Điều cốt tủy mà đức Phật muốn trao truyền lại cho chúng ta nằm ở giai đoạn thứ ba, giai đoạn “Tự tịnh kỳ ý “, tự mình thanh lọc tâm ý cho nó hoàn toàn tịch tịnh, trong sáng, vượt lên phạm trù đối đãi thiện ác, có không,.. vượt ra khỏi vòng luân hồi quanh co trong sáu nẻo nơi tam giới.
Trong kinh Pháp Cú, đức Phật dạy chúng ta phải vượt lên phạm trù đối đãi thiện ác như:
“Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi [là] Bà La Môn.”
Ai vượt qua thiện ác
Chuyên sống đời Phạm Hạnh
Sống thẩm sát ở đời
Mới xứng danh Tỳ Kheo“. [04]
Hỏi: Tại sao phải vượt lên trên cả Thiện và Ác?
Tại vì hành động thiện tạo ra thiện nghiệp, hành động ác tạo ra ác nghiệp, cả hai đều gây nhân tái sinh để hưởng phước báo tốt hoặc chịu quả báo xấu, cũng như sợi dây xích dù có bằng vàng thì cũng trói buộc chúng ta mà thôi. Còn có hành động, dù là hành động ác hay hành động thiện, thì vọng tâm còn bay nhẩy, dòng suy nghĩ còn miên man không dừng, vòng luân hồi còn tùy theo nghiệp thiện ác mà trôi lăn miên viễn.
Hỏi: Cái gì là cốt tuỷ của đạo Phật?
Trong một bài giảng pháp, Tỳ kheo Buddhadasa đã nói: “Để nói cái gì là cốt tủy của Phật Pháp, tôi muốn đưa ra câu nói ngắn, “Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả.” (“Nothing whatsoever should be clung to”). Có một đoạn trong Trung Bộ Kinh, khi một người tới tìm Đức Phật và hỏi ngài là ngài có thể tóm gọn giáo pháp của ngài vào một câu, và nếu có thể, thì đó là câu gì. Đức Phật trả lời rằng ngài có thể, “Sabba dhamma nalam abhinivesaya.” Các từ “Sabbe dhamm” có nghĩa là “mọi thứ, mọi vật, mọi pháp,” còn “nalam” nghĩa là “không nên để,” và “abhinivesaya” nghĩa là “bị dính mắc vào.” Đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả. Rồi Phật nhấn mạnh điểm này bằng cách nói rằng bất kỳ ai đã nghe câu này là đã nghe tòan bộ Phật Pháp, bất kỳ ai lấy câu này mà tu tập thì đã tu tập tất cả Phật Pháp, và bất kỳ ai đã nhận được quả của pháp tu tập điểm này thì đã nhận được tòan bộ quả của Phật Pháp”. [05]
Hỏi: Vậy, tu tập như thế nào để đừng để dính mắc vào bất cứ gì cả
Bởi vì dính mắc vào bất cứ gì đều là sự trói buộc và đem lại đau khổ. Đức Phật là người chẳng hề dính mắc vào bất cứ gì. Ngài chỉ dạy sự thực hành buông xả. Tăng đoàn của Ngài từ thời xưa cho đến thời nay đều thực hành sự chẳng để dính mắc. Để thực hành điều này, Ngài chỉ dạy như sau:
“Khi mắt thấy một vật, chỉ thấy vật ấy. Khi tai nghe một tiếng, chỉ nghe tiếng ấy. Khi mũi ngủi một mùi, chỉ ngửi mùi ấy. Khi lưỡi nếm món gì, chỉ nếm món đó. Khi có cảm xúc trên da hay trên thân, chỉ biết đến cảm xúc ấy. Và khi một ý nghĩ, một đối tượng tâm linh, khởi lên trong tâm, như một tư tưởng xấu chẳng hạn, chỉ biết tư tưởng ấy.”
Điều này có nghĩa là không nên để cho tư tưởng phân biệt xấu, tốt, ưa thích hay ghét bỏ sanh khởi. Ưa thích cái gì có nghĩa là ham muốn cái ấy, không ưa thích cái gì có nghĩa là ghét bỏ cái ấy. Ham muốn hay ghét bỏ đều là ô nhiễm phát sinh từ tham, sân và si. Không để các ô nhiễm này trong tâm dấy lên, tức là không dính mắc. Không khai sinh thêm “người thương” hay “kẻ ghét” đấy là không dính mắc. Thực hành được điều này sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc.
Đây là một pháp hành rất gọn và thẳng tắp, được cho là tuyệt hảo. Nếu còn dính mắc, ngay cả vào điều lành, ngay cả vào ý niệm “đừng dính mắc” này là trong tâm sẽ dấy lên tư tưởng nhiễm ô và tâm liền trở nên bất tịnh. Dính mắc vào bất cứ gì là mang gánh nặng trên mình. Dù gánh bên vai hay đội trên đầu một bao vàng bạc kim cương đá quý cũng nặng y như đang vác một bao cát đá. Vậy thì, theo lời Phật dạy, đừng mang cát đá, cũng đừng mang vàng bạc. Hãy buông chúng xuống. Đừng để bất cứ vật gì dù nặng hay nhẹ trên đầu (đầu, ở đây, có nghĩa là tâm thức). Hãy vô sở trụ. Thanh lọc tâm ý cũng chính là nghĩa đó. Thứ nhứt tránh việc ác, thứ hai siêng làm lành, còn thứ ba là thanh lọc tâm ý, đó là lời dạy của chư Phật.
Hỏi: Làm sao để trở thành một Phật tử?
Trong kinh Tăng Chi, đức Phật dạy: “Ai nguyện nương tựa Phật, Pháp, Tăng, thì người ấy được gọi là Phật tử“. Nguyên văn lời nguyện thành một Phật tử là:
Buddham saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Phật)
Dhammam saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Pháp)
Sangham saranam gacchàmi, (Con nay đi theo Tăng)
(Saranam = sự che chở, chổ ẩn trú, ngôi nhà ở, nơi nương tựa)
Đi theo Phật là đi theo con đường mà Phật đã đi qua và đã giảng dạy lại cho đời. Ngài đã chứng kiến nổi khổ của sinh, già, bịnh, chết và đã từ bỏ đời sống thế tục để tu tập và chứng ngộ sự thật của duyên khởi-vô ngã.
Đi theo Pháp hay thực hành Pháp là thực hành Bốn Chân Lý Nhiệm Mầu tức Tứ diệu đế, thực hành Giới, Định, Tuệ, là đi ra khỏi dục vọng hay đi vào sự ly dục để thoát khỏi khổ đau.
Đi theo Tăng là đoàn thể sống theo tinh thần lục hòa (thân hòa đồng trú, khẩu hòa vô tránh, ý hòa đồng duyệt, lợi hòa đồng quân, giới hòa đồng tu và kiến hòa đồng giải) và đang tích cực thực hành Pháp ly dục.
Hỏi: Đó là lời dạy của Đức Phật nhưng tôi muốn chính thức là một Phật tử, một Phật tử đúng nghĩa, thì tôi phải làm những việc gì?
Vì đạo Phật chủ yếu là tự nguyện chuyển tâm nên không có sự áp đặt và lôi kéo. Người từ đạo khác chuyển qua đạo Phật thường là do nghiên cứu kinh sách Phật giáo, hiểu được cái tinh hoa thâm thúy của đạo Phật mà quay về đường Giác.
Người Phật tử đúng nghĩa là người có tham dự một lễ truyền thọ Tam Quy là Quy y Phật, Quy Y Pháp và Quy Y Tăng, gọi là Quy Y Tam Bảo. Quy y nghĩa là trở về và nương tựa, nhưng chúng ta trở về đâu và nương tựa cái gì? Chúng ta trở về với Phật giáo và nương tựa vào Tam Bảo, Phật, Pháp, và Tăng. Sau lễ quy y, người Phật tử được thầy truyền thọ Tam Quy đặt cho một pháp danh (Dharma name). Pháp danh này là biểu tượng chính thức của người Phật tử, nói lên sự chấp nhận nương tựa vào Tam Bảo về mặt tinh thần.
Quy y như thế có nghĩa là hoan hỷ chấp nhận sự hướng dẫn của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật Bảo là chư Phật, Pháp Bảo là giáo pháp, cụ thể là Tam Tạng Kinh Điển, Tăng Bảo là Tăng đoàn, đoàn thể của những người đã ly gia cắt ái, đang tu hành thanh tịnh, đại diện Chư Hiền Thánh Tăng cả ba thời để hướng dẫn Phật tử trên con đường đến bờ Giác. Khi quy y Tam Bảo là chúng ta quy y Chư Phật, Chư Pháp và Chư Tăng. Thật ra, Đức Phật không nói chúng ta quy y là phải quy y với Phật, mà Ngài dạy chúng ta quy y là quy y với tự tính giác của mình. Giác là Phật Bảo, Phật có nghĩa là giác ngộ, quy y Phật là quy y với bậc giác ngộ. Như thế quy y Tam Bảo chính là Quy Y Tự Tính Tam Bảo [06], tức là quay về tự tính giác ngộ sẵn có của chính mình: Phật tức là Giác, Pháp tức là Chính, Tăng tức là Tịnh.
“Tự tâm quy y Giác thì tà mê chẳng sanh, thiểu dục tri túc, hay lià tài sắc, gọi là Lưỡng Túc Tôn.
“Tự tâm quy y Chính, niệm niệm chẳng tà kiến, vì chẳng tà kiến nên chẳng có nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.
“Tự tâm quy y Tịnh, tự tính đối với tất cả cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng Trung Tôn…”[07]
Quy y Phật Bảo là quay lưng với trạng thái tâm vô minh và nương tựa vào tâm giác ngộ. Quy y Pháp Bảo là quay lưng với trạng thái tâm tà kiến và nương tựa vào chính tri chính kiến, có nghĩa là nương tựa vào giáo nghĩa trong kinh điển để tự thực hành thanh tịnh hoá tâm ý, tức sửa đổi những hành vi thân, khẩu, ý sai lầm. Quy y Tăng Bảo, tức là thoát ra khỏi tâm nhiễm ô và bất hoà để nương tựa vào tâm thanh tịnh và sáu hoà hợp (six principles of harmony) của một đoàn thể Tăng. Vì thế, điều kiện cơ bản của người học Phật, là phải quay đầu với si mê tà kiến mà trở về nương tựa nơi Giác, Chính và Tịnh. Đó chính là quy y với tự tánh Tam bảo.
Nơi nương tựa thực sự là Pháp, vì nhờ sự nhận thức về Pháp, người Phật tử sẽ trở nên tự do và được giải thoát khỏi đau khổ. Pháp gồm có sự chấm dứt đau khổ và con đường đi tới sự chấm dứt.
Hỏi: Đã được truyền thọ Tam Quy để trở thành Phật tử vậy có cần thiết phải thọ giới không?
Ngoài Quy Y Tam Bảo, mỗi người Phật tử cũng cần phải biết và cố gắng tiến tới thọ từ một tới cả Năm Giới của giới Phật tử tại gia, đó là: (1) không sát sinh, (2) không trộm cắp, (3) không tà dâm, (4) không nói dối, nói vu cáo, nói thêm bớt thêu dệt, nói lời xấu ác, (5) không dùng các chất say làm mê mờ trí tuệ.
Kinh Phật nói: “Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó sanh. Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh. Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tăm tối. Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển. Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm pháp thân“. Cho nên việc thọ giới là điều cần thiết. Nếu nhận thấy giữ được giới nào thị xin thọ giới đó. Tuy nhiên, vì đạo Phật là đạo tâm, hứa thọ giới thì phải giữ lời hứa. Cũng vì thế mà nhà Phật không áp đặt các em còn nhỏ tuổi phải quy y và thọ giới, vì các em chưa đủ trí khôn để nhận thức được tầm quan trọng của lời hứa, mà người thọ Giới phải trưởng thành, đã biết suy nghĩ chín chắn, thì mới có thể giữ Giới mà không vi phạm.
Hỏi: Đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới vậy có phải ăn chay không?
Người mới học Phật không nhất thiết là phải ăn chay. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học cho biết việc ăn uống có quan hệ và ảnh hưởng đến tâm vật lý con người. Họ cho rằng ăn chay rất tốt cho sức khoẻ cả thân thể lẫn tánh tình.
Đối với đạo Phật, ăn chay có ba lợi ích. Một là nuôi dưỡng tâm từ bi. Dù là một con vật, nó cũng có cha, có mẹ như chúng ta, sao ta có thể nỡ lòng cướp đi sự sống của nó mà nuôi dưỡng sự sống cho mình. Thứ hai là tránh quả báo do không tạo nhân giết hại chúng sinh vì nhân quả đều đi theo như bóng theo hình. Thứ ba là nuôi dưỡng tâm bình đẳng. Đức Phật dạy chúng ta không những không sát hại mà còn khuyên chúng ta nên tôn trọng và bảo vệ loài vật vì chúng cũng đồng thể tánh, chúng cũng có quyền sống, có quyền được chia sẻ một phần môi sinh trên trái đất, nơi mà con người đang ở.
Trong một buổi giảng pháp, Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, khi được hỏi về vấn đề này đã giảng rất cụ thể rằng: “Đại chúng nên biết, nếu muốn có thịt để ăn, thì phải sát sanh. Không tự giết thì cũng bảo người giết, cho nên ăn thịt là nguyên nhơn cho sự sát hại sanh mạng của các loài vật. Tất cả các thứ thịt, không luận là thịt gì, từ thịt heo, bò cho đến tôm ốc v.v… thuộc về loài thịt của chúng sanh đều không được ăn”.[08] Như vậy, người Phật tử đã quy y và thọ năm giới được khuyến khích là nên ăn chay. Nhưng nếu có gặp trở ngại trong gia đạo hay vì một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nào đó mà không ăn chay trường được cũng nên tập ăn chay một tháng hai lần hoặc bốn lần. Thế nhưng, không được tự mình sát sinh hay là yêu cầu người khác sát sinh
GIÁC NGỘ